Dự án này được kỳ vọng trở thành trục giao thông quan trọng của khu vực.
Mới đây, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đã trình lên Bộ Giao thông vận tải (GTVT) báo cáo kết quả nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu.
Theo đó, tuyến cao tốc sẽ đi qua 4 tỉnh vùng nam sông Hậu. Điểm đầu tại khu vực cửa khẩu quốc tế Hà Tiên (TP. Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang) và điểm cuối kết nối với Quốc lộ 1 tại TP. Bạc Liêu.
Dự án có tổng chiều dài hơn 175km, được thiết kế 4 làn xe cao tốc cùng 2 làn khẩn cấp, cho phép vận tốc tối đa 100km/h. Trong đó, đoạn qua Kiên Giang dài nhất với 82km, tiếp đến là Bạc Liêu 25,3km, Hậu Giang 18km và Sóc Trăng 13km.
Tổng vốn đầu tư của dự án là hơn 80.800 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
Công trình dự kiến khởi công vào năm 2026 và hoàn thành vào năm 2030, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng trong khu vực.
Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu là một trong hai tuyến đường cao tốc trục ngang quan trọng của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Tuyến đường này sẽ kết nối với hệ thống cao tốc trục dọc Bắc - Nam đoạn Cần Thơ - Cà Mau, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông của vùng.
Ngoài ra, tuyến cao tốc còn giúp nâng cao sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa các tỉnh miền Tây với nước láng giềng Campuchia, thúc đẩy nhu cầu giao thương buôn bán giữa hai nước.
Theo quy hoạch mạng lưới cao tốc miền Tây, khu vực này sẽ có 6 tuyến cao tốc với tổng chiều dài gần 1.200km, bao gồm 3 tuyến trục dọc dài 575km và 3 tuyến trục ngang dài 591km.
Đến thời điểm hiện tại, toàn vùng đã đưa vào khai thác hơn 120km cao tốc kết nối TP. HCM - Cần Thơ. 428km cao tốc khác đang được thi công, dự kiến hoàn thành vào năm 2025 và 215km cao tốc đang trong giai đoạn nghiên cứu chuẩn bị đầu tư.
Kế hoạch đến cuối năm 2025, vùng ĐBSCL sẽ hoàn thành khoảng 600km cao tốc và đạt 1.200km vào năm 2030 theo chỉ đạo của Chính phủ.