Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế 6 tháng năm 2024. Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á về thu hút nhà đầu tư dài hạn, do đó thu hút FDI cả năm có thể ở mức 39-40 tỷ USD.
Thu hút FDI cả năm có thể ở mức 39-40 tỷ USD. Ảnh minh họa
6 tháng đầu năm 2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 15,2 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2023. Vốn FDI thực hiện (hoặc giải ngân) cũng tăng 8,2%, đạt khoảng 10,84 tỷ USD, hơn gấp đôi so với mức 4,6 tỷ USD trong quý I năm 2024. Đây cũng là con số FDI giải ngân thực hiện cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 5 năm qua.
Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, cả vốn đầu tư thực hiện và tổng vốn đầu tư đăng ký đều tăng trưởng tốt hơn, với mức tăng lần lượt là 0,4 điểm phần trăm và 11,1 điểm phần trăm so với 5 tháng đầu năm. Việc giải ngân nhiều trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn và nhu cầu tiêu dùng sụt giảm cho thấy nhà đầu tư FDI rất tin tưởng vào môi trường đầu tư trong nước và sức hấp dẫn của nền kinh tế gần 100 triệu dân.
Một số dự án FDI lớn trong 6 tháng qua như dự án nhà máy sợi carbon của Hyosung, dự án sản xuất silic của Trina Solar Cell, dự án sản xuất silic quang điện Gokin Solar. Từ quý I/2024, nhu cầu thuê gia tăng tại các tỉnh, thành cấp 2 như Vĩnh Phúc, Hà Nam, Quảng Ninh, Bắc Giang, Tây Ninh, Vũng Tàu nhờ giá thuê đất thấp hơn các tỉnh, thành trung tâm và đẩy mạnh phát triển hạ tầng.
Đơn cử như trong thời gian qua, nhiều tập đoàn lớn của nước ngoài đã triển khai các dự án quan trọng tại Việt Nam với một số khoản đầu tư nổi bật: Tập đoàn Pandora của Đan Mạch đầu tư 150 triệu USD vào một nhà máy ở Bình Dương, và Tập đoàn SK của Hàn Quốc đang xây dựng một nhà máy vật liệu phân hủy sinh học tại Hải Phòng, với tổng vốn đầu tư có thể lên tới gần nửa tỷ USD vào cuối thập kỷ này.
Đánh giá về khả khả năng thu hút FDI, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch&Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, đến nay, tổng kết lại trong 6 tháng đầu năm, kết quả duy trì ở mức khá. Tổng vốn FDI đăng ký của 6 tháng đạt gần 15,2 tỷ USD, tăng 13,1%. Trong đó, FDI đăng ký mới là hơn 9,5 tỷ USD, tăng 46,9%. Đây là con số đáng lưu ý, bởi vốn đăng ký mới tức là dự án mới vào sẽ gia tăng năng lực sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế.
Vốn FDI thực hiện đạt khoảng 10,8 tỷ USD, tăng 8,2%, cũng là mức tăng trưởng khá. Trong đó cũng có ghi nhận rất nhiều dự án mới, quy mô lớn được đầu tư. Đối với kỳ vọng của 6 tháng cuối năm thì hiện nay hết sức lạc quan, không chỉ đánh giá chủ quan của các cơ quan trong nước mà kể cả phía nước ngoài đánh giá.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch&Đầu tư Trần Quốc Phương. Ảnh Nhật Bắc
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho hay, theo đánh giá của các tổ chức tài chính trong và ngoài nước về triển vọng thu hút FDI, xu hướng tích cực vẫn được duy trì nhờ 3 yếu tố hết sức quan trọng: Một là chiến lược đa dạng hóa thích ứng của các nhà đầu tư. Xu thế này chúng ta đã thực hiện sau COVID, đây cũng là cơ hội để Việt Nam đón nhận vốn đầu tư của thế giới.
Thứ hai là tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ở quý I cho thấy nhiều triển vọng và người ta sẽ kỳ vọng rất nhiều vào nền kinh tế có sức phục hồi lớn đang diễn ra, sẽ là yếu tố tốt để tác động đầu tư.
Cuối cùng là kinh tế vĩ mô của chúng ta ổn định, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là khó khăn từ bên ngoài liên quan đến vấn đề giá cả một số mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, chỉ số FDI của chúng ta vẫn ở mức khoảng 4% trong phạm vi mục tiêu Quốc hội đề ra. Chỉ số lạm phát ở mức hơn 2%, cho thấy nền kinh tế vĩ mô của chúng ta ổn định. Đây là điều quan trọng nhà đầu tư rất cần để đầu tư được bảo đảm.
Bên cạnh đó, trong điều tra của Bộ Kế hoạch & Đầu tư thấy rằng niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài với nền kinh tế của Việt Nam vẫn đang rất tích cực, thể hiện mong muốn được tiếp tục đầu tư ở Việt Nam. Qua đó, chúng ta có thể kỳ vọng thu hút đầu tư vốn FDI cả năm 2024 vẫn cố gắng đạt khoảng 39-40 tỷ USD, tương đương hoặc cao hơn chút so với cùng kỳ năm 2023 - Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.
Bên cạnh những thuận lợi, Việt Nam cũng đang gặp không ít thách thức để thu hút các dự án công nghệ cao, các tập đoàn lớn khi mà cuộc cạnh tranh thu hút đầu tư không chỉ xảy ra trong khu vực mà ngay cả các nước phát triển, hay nước “xuất khẩu” về đầu tư…
Vì vậy, để giữ chân các “ông lớn” FDI, đồng thời thu hút thêm các nhà đầu tư mới. Theo nhiều chuyên gia, cần thực hiện các giải pháp như sử dụng nguồn thu từ thuế tối thiểu toàn cầu trong thời gian tới để hỗ trợ thu hút đầu tư FDI; hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, sản xuất của các doanh nghiệp FDI.
Đẩy mạnh hỗ trợ đào tạo lao động; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư để thu hút được nhà đầu tư FDI mới có chất lượng cao hơn… Chính sách đầu tư cần thông thoáng hơn, vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cần làm tốt hơn, và cần sớm nâng chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam…
Ngoài ra, Việt Nam cũng cần phải nhanh chóng phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối sân bay, cảng biển, các tỉnh, TP lớn với các trung tâm công nghiệp. Đồng thời, hạ tầng năng lượng cũng cần được nâng cấp và tập trung đầu tư, nhất là việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo đáp ứng tiêu chuẩn và yêu cầu sản xuất của những dự án công nghệ cao, bảo vệ môi trường và tránh phát thải CO2 ra môi trường.