Doanh nghiệp

Vietnam Report vinh danh Top 10 công ty uy tín ngành dược và thiết bị y tế

Minh Anh 03/12/2024 21:49

Mới đây, Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) đã công bố Top 10 công ty uy tín ngành dược và thiết bị y tế, chăm sóc sức khỏe năm 2024.

Báo cáo đánh giá được xây dựng dựa trên nguyên tắc khoa học và khách quan, căn cứ theo 3 tiêu chí chính là năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất, uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về công ty trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng và kết quả khảo sát các đối tượng liên quan được thực hiện trong tháng 10-11/2024.

4933_tcbc_top_10_duoc_2024_danh_sach_1.png

Trong danh sách Top 10 công ty sản xuất dược phẩm uy tín năm 2024 gồm có: Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang, Công ty Cổ phần Traphaco, Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm, Công ty Cổ phần Dược-Trang thiết bị y tế Bình Định, Công ty TNHH Liên doanh Stellapharm, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế Domesco, Công ty Cổ phần Dược phẩm TV.Pharm, Công ty Cổ phần Dược phẩm OPC, Công ty Cổ phần Dược phẩm Hà Tây và Công ty TNHH Rohto-Mentholatum (Việt Nam).

Ngoài ra, Vietnam Report cũng công bố danh sách 10 công ty phân phối Dược phẩm uy tín năm 2024, gồm Công ty Cổ phần Vacxin Việt Nam, Tổng Công ty Dược Việt Nam-CTCP, Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương CPC1, Công ty Cổ phần Dược phẩm Khương Duy, Công ty Cổ phần Dược Phẩm FPT Long Châu, Công ty Cổ phần Dược liệu Trung ương 2, Công ty Cổ phần Dược phẩm Thiết bị y tế Hà Nội, Công ty Cổ phần Dược phẩm Việt Hà, Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn, Công ty Cổ phần Dược phẩm Thái Minh...

5008_tcbc_top_10_duoc_2024_danh_sach_2.png

Đánh giá về cục diện thị trường và tầm nhìn dài hạn của ngành dược, ông Vũ Đăng Vinh - Tổng Giám đốc Vietnam Report cho biết, đóng vai trò cầu nối đảm bảo sự tiếp cận kịp thời và an toàn với các sản phẩm y tế, đưa tiến bộ y học và công nghệ tiên tiến đến với cộng đồng, lĩnh vực dược phẩm và thiết bị y tế, chăm sóc sức khỏe là nhân tố trọng yếu cho sự phát triển toàn diện của quốc gia, không chỉ thúc đẩy nền kinh tế mà còn chăm sóc và bảo vệ tài sản cốt lõi của xã hội - sức khỏe con người.

Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, tỉ lệ doanh nghiệp chứng kiến kỳ kinh doanh đi lùi so với mức nền cao của năm trước ghi nhận sự gia tăng. Bức tranh doanh thu không biến động quá mạnh so với cùng kỳ năm 2023, song tỉ lệ doanh nghiệp sụt giảm về lợi nhuận lại tăng lên đáng kể từ 21,1% lên 37,5%. Bất chấp biến động giá nguyên liệu đầu vào, sức mua sụt giảm do bị giới hạn bởi xu hướng thắt chặt chi tiêu của người dân, một số sản phẩm hỗ trợ chống dịch chậm luân chuyển và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt khiến thị trường nói chung có phần kém thuận lợi hơn trong những tháng đầu năm nay.

Dù vẫn còn nhiều thách thức, những tháng cuối năm 2024 đã mang lại tín hiệu tích cực hơn cho các doanh nghiệp trong ngành . Sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam, thể hiện qua những cải thiện rõ rệt ở nhiều chỉ số quan trọng, đang tạo nền tảng vững chắc thúc đẩy tăng trưởng ngành.

untitled-4994.jpg

Theo chia sẻ từ một số lãnh đạo doanh nghiệp kinh doanh dược phẩm, quý 4 thường là thời điểm kinh doanh sôi động nhất trong năm. Đặc biệt, đối với lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, nhu cầu sản phẩm tăng mạnh do thời tiết chuyển mùa và sự bùng phát của các dịch bệnh phổ biến như sốt xuất huyết, siêu vi, hay cảm cúm.

Ngoài ra, sự lạc quan về triển vọng năm 2025 cũng được duy trì. Kết quả khảo sát từ Vietnam Report cho thấy, 66,6% doanh nghiệp bày tỏ niềm tin vào sự phát triển của thị trường; chỉ 13,4% dự đoán sẽ gặp nhiều khó khăn hơn; trong khi 20,0% cho rằng thị trường sẽ ổn định, không có nhiều biến động so với năm 2024.

Kênh phân phối thuốc tại các bệnh viện, vốn giữ vai trò chủ đạo trong doanh thu ngành dược, được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển nhờ chính sách bảo hiểm y tế toàn dân và các quy định đấu thầu thuốc tại bệnh viện ngày càng cởi mở, minh bạch hơn. Đồng thời, nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm dược phẩm chuyên biệt, đặc biệt là thuốc hiếm, thuốc sinh học, và thuốc điều trị bệnh hiểm nghèo, hứa hẹn thúc đẩy mạnh mẽ sự tăng trưởng trong lĩnh vực này.

Đánh giá về cục diện thị trường và tầm nhìn dài hạn của ngành dược, Tổng Giám đốc Vietnam Report Vũ Đăng Vinh cho biết 66,6% số doanh nghiệp đặt niềm tin vào sự phát triển của thị trường. Về dài hạn, thị trường dược phẩm và thiết bị y tế, chăm sóc sức khỏe được đánh giá có tiềm năng tăng trưởng cao và dư địa phát triển lớn.

Trong khi đó, già hóa dân số đã và đang là thách thức lớn trên toàn cầu. Trong vòng 10 năm trở lại đây, quá trình già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng đã khiến Việt Nam trở thành một trong 10 nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, tỉ lệ người cao tuổi có thể đạt 16,8% vào năm 2029. Theo thống kê, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và dự kiến sẽ trở thành quốc gia có dân số già vào năm 2036”. Cùng với quá trình già hóa dân số, nhu cầu dược phẩm và chăm sóc sức khỏe ngày càng gia tăng.

Theo ông Vũ Đăng Vinh, ngành dược và thiết bị y tế, chăm sóc sức khỏe của Việt Nam được đánh giá có sức bật mạnh mẽ, bất chấp các yếu tố rủi ro tiềm tàng trên thị trường. Ông Vinh cho rằng, những chính sách hỗ trợ của Chính phủ và những điều chỉnh, bổ sung trong Luật Dược sẽ tạo ra môi trường pháp lý rõ ràng, hỗ trợ sự phát triển bền vững của ngành và định hướng cho giai đoạn tăng trưởng tiếp theo của doanh nghiệp sẽ là động lực mạnh mẽ thúc đẩy thị trường chăm sóc sức khỏe của Việt Nam.

Việt Nam đang thuộc nhóm quốc gia có tốc độ tăng trưởng ngành dược nhanh nhất thế giới, với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) dự kiến sẽ đạt 6-8% trong giai đoạn 2023-2028. Bên cạnh đó, theo dự báo của tổ chức thống kê Statista, doanh thu thị trường thiết bị y tế Việt Nam cũng ghi nhận sự tăng trưởng ổn định qua các năm, từ mức 922 triệu USD năm 2016 lên 1,6 tỷ USD trong năm nay và dự kiến đạt 2,5 tỷ USD vào năm 2029.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vietnam Report vinh danh Top 10 công ty uy tín ngành dược và thiết bị y tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO