Tài chính - Ngân hàng

Gần 14 triệu tỷ đồng gửi vào ngân hàng trong 9 tháng năm 2024

Mai Hương 03/12/2024 21:43

Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 9 người dân, các doanh nghiệp và tổ chức kinh tế đã gửi gần 14 triệu tỷ đồng vào ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố số liệu cho thấy, tính đến cuối tháng 9, lượng tiền tiết kiệm của người dân gửi vào ngân hàng đạt 6.957.686 tỷ đồng, tăng 6,5% so với cuối năm 2023. Các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế gửi vào ngân hàng cũng tăng mạnh với 7.076.456 tỷ đồng. Đây là mức tăng mạnh đạt mức kỷ lục từ trước đến nay. Mức tăng trưởng từ âm chuyển sang dương, đạt 3,4% so với cuối năm ngoái.

Theo số liệu, so với cuối tháng 8, lượng tiền gửi tiết kiệm của người dân trong tháng 9 đạt 32.797 tỷ đồng. Còn số tiền gửi của doanh nghiệp và tổ chức kinh tế là 238.114 tỷ đồng. Như vậy, tổng số tiền gửi vào hệ thống ngân hàng trong tháng 9 đạt 270.911 tỷ đồng. Nếu tính bình quân theo ngày, mỗi ngày tháng 9 có 9.030 tỷ đồng gửi vào ngân hàng.

Gần 14 triệu tỷ đồng gửi vào ngân hàng trong 9 tháng năm 2024. (Ảnh minh họa)

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, lãi suất tiền gửi bằng VND bình quân của ngân hàng thương mại trong nước ở mức 0,1-0,2%/năm với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; từ 1 đến dưới 6 tháng là 2,9-3,8%; 4,4-5,0%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6-12 tháng; với kỳ hạn trên 12-24 tháng là 5,2-6,0%/năm và 6,9-7,2%/năm đối với kỳ hạn trên 24 tháng.

Từ cuối quý II/2024, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn. Ngày 27/11, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng ổn định lãi suất tiền gửi, phấn đấu giảm lãi suất cho vay.

Theo khảo sát diễn biến lãi suất tiền gửi áp dụng vào đầu tháng 12, một số ngân hàng chiếm thị phần nhỏ tăng nhẹ 0,1-0,2%/năm (tùy từng kỳ hạn, so với tháng trước). Đáng chú ý, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần xuất hiện lãi suất huy động trên 6%/năm áp dụng kỳ hạn dài.

Có thể kể đến như Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) niêm yết lãi suất huy động 6,3%/năm cho kỳ hạn gửi 24 tháng. Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SHB) cũng áp dụng lãi suất 6,1%/năm cho kỳ hạn gửi từ 36 tháng trở lên…

Các chuyên gia phân tích của MBS cho rằng, xu hướng tăng lãi suất sẽ được tiếp tục duy trì tới cuối năm nay, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đang tăng nhanh gần gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng của huy động vốn.

Cũng bàn về việc này, các chuyên gia kinh tế phân tích, việc điều chỉnh lãi suất của các ngân hàng thương mại phụ thuộc vào thanh khoản của từng ngân hàng. Những nhà băng có khả năng tăng trưởng tín dụng sẽ tăng lãi suất huy động, trong khi những ngân hàng khó đạt được tăng trưởng tín dụng vào cuối năm sẽ khó tăng lãi suất.

Các chuyên gia bày tỏ lo ngại với động thái tăng lãi suất huy động sẽ khiến chi phí đầu vào của các ngân hàng tăng, tác động đến biên lãi ròng nên khả năng có thể sẽ tăng lãi suất cho vay để bù đắp. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn và trở nợ của người dân, doanh nghiệp. đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều thách thức.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gần 14 triệu tỷ đồng gửi vào ngân hàng trong 9 tháng năm 2024
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO