TP.HCM: Giải ngân vốn ODA không đạt kế hoạch

05/02/2024 14:03

Theo thống kê, năm 2023, tỷ lệ giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi và vốn đối ứng các dự án ODA của TP.HCM không đạt kế hoạch.

Năm 2013, kế hoạch vốn ODA giao cho TP.HCM là 5.702,808 tỷ đồng, vốn đối ứng là 1.370,148 tỷ đồng. Lũy kế giải ngân từ đầu năm đến ngày 31/12/2023, vốn vay ODA là 3.805,592 tỷ đồng, chỉ đạt 66,73% so với kế hoạch vốn được giao; vốn đối ứng là 583,524 tỷ đồng, chỉ đạt 42,59% so với kế hoạch vốn được giao.

Tỷ lệ giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi và vốn đối ứng các dự án ODA của TP.HCM chưa đạt so với kế hoạch các nguồn vốn đã giao năm 2023.

Tuy nhiên hiện, TP.HCM đang thực hiện 6 dự án ODA, gồm 4 dự án nhóm A và 2 dự án nhóm B, với tổng vốn đầu tư 17.566 tỷ đồng, trong đó vốn ODA là 98.154 tỷ đồng, vốn đối ứng là 19.412 tỷ đồng.

Trong 4 dự án nhóm A giải ngân, Dự án Xây dựng đường sắt đô thị số 1 TP.HCM (tuyến Bến Thành - Suối Tiên) có vốn vay ODA 2.913,286 tỷ đồng, lũy kế giải ngân đạt 72,32% so với kế hoạch vốn được giao; Dự án Xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 (tuyến Bến Thành - Tham Lương), vốn đối ứng là 232,490 tỷ đồng, lũy kế giải ngân đạt 40,23% so với kế hoạch vốn được giao.

Dự án Cải thiện môi trường nước TP.HCM lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ (giai đoạn II) có vốn vay ODA là 425,011 tỷ đồng, lũy kế giải ngân đạt 68,03% so với kế hoạch vốn được giao; Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM giai đoạn II có vốn vay ODA 461,426 tỷ đồng, lũy kế giải ngân đạt 48,57% so với kế hoạch vốn được giao.

Như vậy, tỷ lệ giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi và vốn đối ứng các dự án ODA của TP.HCM chưa đạt so với kế hoạch các nguồn vốn đã giao năm 2023.

Nguyên nhân bởi các nhà đầu tư, doanh nghiệp vừa phải tuân thủ các quy trình thủ tục trong nước, vừa phải tuân thủ các quy định, yêu cầu của nhà tài trợ nên nhiều thủ tục hành chính phát sinh trong quá trình thực hiện dự án.

Đồng thời, việc xác định chỉ số giá để điều chỉnh giá cho tất cả các hợp đồng của dự án xây dựng đường sắt đô thị số 1 đang gây khó khăn của nhà đầu tư do Bộ Xây dựng chưa ban hành chỉ số giá cho công trình metro từ khi bắt đầu dự án cho đến nay (hiện nay, chỉ thanh toán tạm 70% giá trị điều chỉnh giá sử dụng chỉ số giá của Tổng cục Thống kê ban hành).

Do các gói thầu chính của dự án với đặc điểm trong hợp đồng được ký kết giữa các bên, việc thanh toán một hạng mục công việc/mốc thanh toán lớn chỉ có thể tiến hành khi nhà thầu hoàn thành 100% nên chưa hoàn tất các thủ tục theo điều khoản hợp đồng khiến tiến độ dự án xây dựng đường sắt đô thị số 1 đến nay đạt tỷ lệ hơn 97%, vốn ODA đã bố trí cho dự án nhưng không thể giải ngân theo tiến độ thực tế.

Ngoài ra, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; dự án phải điều chỉnh thời gian thực hiện, gia hạn, điều chỉnh Hiệp định vay (Dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 TPHCM tuyến Bến Thành - Tham Lương)... đều đang gặp khó khăn trong quá trình thực hiện.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án ODA, cũng như tranh thủ vận động nguồn vốn ODA từ các nhà tài trợ đầu tư phát triển thành phố, UBND TP.HCM kiến nghị cấp thẩm quyền bổ sung vốn trung hạn 2021-2025 cho Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1, tuyến Bến Thành - Suối Tiên.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cần sớm có ý kiến thống nhất về vấn đề chỉ số giá xây dựng trong nước để điều chỉnh giá hợp đồng; về áp dụng quy định QCVN 08:2018/BXD về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia Công trình tàu điện ngầm.

Đối với Dự án Vệ sinh môi trường TPHCM - Giai đoạn 2 kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu dự án làm cơ sở TP thực hiện các bước tiếp theo.

Đối với Dự án Cải thiện môi trường nước TPHCM lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - kênh Đôi - Tẻ (giai đoạn 2), Bộ Tài chính sớm có ý kiến hướng dẫn về chính sách thuế để thực hiện hợp đồng số WEI/CON/J/2014 ký ngày 25/12/2014 để thi công Gói thầu J “Mở rộng nhà máy xử lý nước thải” thuộc dự án.

Trang Nhi

Theo TP.HCM: Giải ngân vốn ODA không đạt kế hoạch
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM: Giải ngân vốn ODA không đạt kế hoạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO