Dòng tiền ngoại chạm giới hạn kiên nhẫn?

10/12/2023 21:33

Theo thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE), tính đến thời điểm này đã bước sang tháng thứ 9 liên tiếp nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trên thị trường. Trong đó chỉ tính riêng tháng 11, khối ngoại rút ròng hơn 3.850 tỷ đồng trên HoSE. Tiếp đó, chỉ trong ba phiên đầu tháng 12 (từ 1-5/12) giá trị bán ròng trên sàn HoSE đạt mức 2.447 tỷ đồng. Như vậy, kể từ đầu tháng 4/2023 tới nay, dòng tiền ngoại đã rút khoảng 23.225 tỷ đồng khỏi sàn HoSE.

Quan sát giao dịch từng mã chứng khoán từ đầu năm đến nay, nhóm cổ phiếu bluechip bị khối ngoại rút ròng khá mạnh. Có khoảng 10 mã cổ phiếu bị bán trên 1.000 tỷ đồng trong những tháng vừa qua. Theo thống kê của các công ty chứng khoán, hoạt động rút ròng chủ yếu đến từ xu hướng rút vốn của các quỹ lớn như: DCVFM VNDiamond ETF và DCVFM VN30 ETF của Dragon Capital, SSIAM VNFIN Lead… Bên cạnh đó, hoạt động thoái vốn của những tổ chức nước ngoài là cổ đông lớn tại doanh nghiệp Việt Nam cũng là yếu tố khiến đà bán ròng của khối ngoại tăng cao.

Ông Nghiêm Quang Duy, Giám đốc điều hành DG Invest nhận định, việc khối ngoại liên tiếp bán ròng cho thấy nhà đầu tư nước ngoài khá thận trọng trước diễn biến thị trường có sự phục hồi chậm. Hiện các quỹ như VEIL của Dragon Capital, FUBON cũng bị rút ròng, chứng tỏ nhà đầu tư đã bắt đầu cân nhắc danh mục và tỏ ra thận trọng với những kỳ vọng từ việc sửa đổi pháp lý liên quan đến thị trường tài chính và bất động sản.

Nhìn sang các thị trường trong khu vực, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Tuấn (CEO AFA Capital) cho rằng, không chỉ có Việt Nam, vừa qua khối ngoại cũng rút ròng ở nhiều thị trường như: Indonesia (822 triệu USD), Malaysia (569 triệu USD), Phillippines (856 triệu USD), Thái Lan (5,5 tỷ USD). Vì thế, câu chuyện rút ròng chủ yếu liên quan đến yếu tố lựa chọn cơ cấu danh mục của nhà đầu tư chứ ít phản ánh tình hình nội tại của thị trường chứng khoán.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, động thái rút ròng liên tiếp và chưa có dấu hiệu dừng lại của nhà đầu tư nước ngoài có thể tác động tiêu cực đến dòng tiền đầu tư và tâm lý trên thị trường chứng khoán trong ngắn hạn. Tuy nhiên, giá trị giao dịch của khối ngoại trên toàn thị trường hiện chỉ chiếm khoảng 10%, vì thế mức độ tác động là không quá lớn.

Mặc dù vậy, theo Deloitte Việt Nam, câu chuyện sức hút của thị trường chứng khoán Việt hiện nay rất đáng lo ngại, bởi sau giai đoạn bùng nổ 2017-2019 đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam thiếu vắng nghiêm trọng “hàng hóa mới” khiến nhà đầu tư không có nhiều chọn lựa.

Thực tế, sau giai đoạn bùng nổ IPO với các cổ phiếu lớn của Petrolimex, Vinhomes, Vincom Retail, Techcombank, VPBank, PV Power… trong năm 2022 Việt Nam chỉ có 8 thương vụ IPO thành công và chỉ huy động được 71 triệu USD. Con số này cách biệt đáng kể với hai quốc gia trong khu vực là Thái Lan (42 vụ, gọi vốn 3,6 tỷ USD), Indonesia (59 vụ và 2,3 tỷ USD).

Ở góc độ nhà đầu tư, ông Danny Le, CEO của Masan cho rằng hiện nhiều nhà đầu tư đã không còn kiên nhẫn với các công ty thua lỗ. Vì thế, các tập đoàn đều phải cân nhắc danh mục đầu tư, tránh dàn trải không hiệu quả, lên kế hoạch cam kết có lãi để giữ chân cổ đông lớn.

Theo nhận định của giới quan sát, hiện nay dòng tiền tham gia thị trường chứng khoán có dấu hiệu “ghẻ lạnh” đối với nhóm cổ phiếu chiếm tỷ trọng vốn hóa lớn (chủ yếu là của các ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản). Điều này một mặt cản trở đà phục hồi chung của thị trường, đồng thời cũng khiến dòng tiền khối ngoại “án binh bất động” chưa vội đầu tư những thương vụ mua bán lớn trên các sàn chứng khoán.

Hơn nữa, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Tuấn, nhìn chung hiện thị trường đã ghi nhận lãi suất ngân hàng đạt đỉnh, việc hạ lãi suất có thể sẽ diễn ra trong năm 2024 nên đứng ở góc độ đầu tư toàn cầu, xu hướng rút vốn để mua trái phiếu ở các thị trường phát triển như Hoa Kỳ nhiều khả năng vẫn tiếp diễn mạnh trong các tháng tới.

Theo Thoibaonganhang

Theo Dòng tiền ngoại chạm giới hạn kiên nhẫn?
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dòng tiền ngoại chạm giới hạn kiên nhẫn?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO