Thị trường chứng khoán (TTCK) phái sinh ở Việt Nam chính thức hoạt động từ tháng 8/2017. Đến nay, sau hơn 6 năm hoạt động, thị trường chứng khoán phái sinh đã có bước tăng trưởng rất tốt và ổn định. Tuy nhiên, do thị trường còn mới, còn những hạn chế, rào cản đã đặt ra thách thức cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý cho sự tồn tại và phát triển của loại chứng khoán này.
Do vậy, Trường Đại học Luật Hà Nội phối hợp với Tạp chí Pháp luật và Phát triển, Báo Pháp luật Việt Nam đồng tổ chức Hội thảo khoa học “Xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý cho thị trường chứng khoán phái sinh”.
Toàn cảnh buổi Hội thảo khoa học “Xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý cho thị trường chứng khoán phái sinh” diễn ra sáng nay (24/11), tại Hà Nội.
Tham dự Hội thảo có GS.TS. Lê Hồng Hạnh - Tổng Biên tập Tạp chí Pháp luật và Phát triển; TS. Đoàn Trung Kiên - Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội; TS. Vũ Hoài Nam - Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam; ThS.Trần Ngọc Hà - Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam cùng đông đảo các diễn giả là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, các chuyên gia đầu ngành về luật và kinh tế.
Thực tiễn pháp lý của thị trường chứng khoán phái sinh trong bối cảnh mới
Thị trường chứng khoán ở Việt Nam đi vào cuộc sống với tiếng cồng đầu tiên từ đầu những năm 2000, đã trải qua nhiều bước tiến đáng kể, trong đó có thể kể đến sự hình thành các thị trường chứng khoán chuyên biệt như thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu và tiếp đó là thị trường chứng khoán phái sinh – chủ đề chính mà Hội thảo đề cập trong ngày hôm nay.
Thị trường phái sinh đi vào hoạt động với phiên giao dịch đầu tiên là sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số VN30 là sự kiện quan trọng của thị trường chứng khoán Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành quốc gia thứ 5 trong khu vực ASEAN và thứ 42 trên thế giới có thị trường chứng khoán phái sinh. Đây là những con số rất ấn tượng, thể hiện vị thế của Việt Nam trên thị trường toàn cầu.
Mặc dù là thị trường mới nhưng sự ra đời và phát triển của chứng khoán phái sinh nhằm hình thành đầy đủ các bộ phận của thị trường chứng khoán đồng thời tạo ra công cụ phòng ngừa rủi ro đối với nhà đầu tư và là tiền đề thuận lợi cho quá trình huy động và khơi thông các nguồn vốn cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đây cũng là kết quả của Chiến lược phát triển TTCK giai đoạn 2011 - 2020, hiện thực hoá Đề án xây dựng và phát triển TTCK phái sinh Việt Nam tại Quyết định số 366/QĐ-TTg ngày 11/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
TS. Đoàn Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội phát biểu khai mạc tại buổi Hội thảo.
Các văn bản pháp luật về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh được ban hành nhằm xây dựng khuôn khổ pháp lý cho sự ra đời và hoạt động của thị trường này đồng thời ghi nhận ở mức độ cao hơn tại Luật Chứng khoán 2019.
TS. Đoàn Trung Kiên cho rằng, đến nay, thực tiễn cho thấy, do TTCK ở Việt Nam còn mới, hàng hoá và mức độ sôi động của giao dịch trên thị trường còn giới hạn. Do đó, việc đánh giá thực tiễn pháp lý ở Việt Nam, có tính tới những vấn đề kinh tế pháp lý trên phạm vi thị trường toàn cầu là cần thiết, xét cả góc độ hoàn thiện các quy định của pháp luật về chứng khoán phái sinh và sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán.
Khai mở, hoàn thiện góc cạnh pháp lý qua 17 báo cáo chất lượng
TS Đoàn Trung Kiên - Hiệu trưởng trường Đại học Luật Hà Nội cho biết: Sau quá trình chọn lọc, gửi thẩm định độc lập, Ban Tổ chức Hội thảo chọn lựa được 17 báo cáo có chất lượng tốt để đăng trên Kỷ yếu Hội thảo, trong đó có 8 báo cáo được trình bày trực tiếp tại Hội thảo, tất cả đều tập trung đóng góp ý kiến cho việc xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý cho thị trường chứng khoán phái sinh.
Cùng với những ý kiến phát biểu của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý tại phiên thảo luận, Hội thảo sẽ luận bàn và góp ý về nhiều chế định, nhiều khía cạnh của pháp luật điều chỉnh về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh.
TS Đoàn Trung Kiên cho biết thêm, các tham luận tại Hội thảo tập trung vào 2 nhóm vấn đề lớn. Nhóm thứ nhất là những vấn đề lý luận về chứng khoán phái sinh và thực trạng pháp luật hiện hành đối với chứng khoán phái sinh, thị trường chứng khoán phái sinh.
Trong nhóm vấn đề này, các bài viết đã tập trung làm rõ các nội dung lớn: Lý luận đối với chứng khoán phái sinh và bản chất của chứng khoán phái sinh; sự cần thiết phải xây dựng, hoàn thiện pháp luật về chứng khoán phái sinh; những vấn đề đặt ra đối với thể chế pháp luật hiện hành;…
Nhóm thứ hai tập trung vào việc gợi mở một số giải pháp nhằm xây dựng và hoàn thiện pháp luật về TTCK phái sinh. Trong nhóm vấn đề này, các bài tham luận tập trung làm rõ các nội dung lớn về: Giải pháp hoàn thiện pháp luật nhằm: đảm bảo tối đa minh bạch của các giao dịch chứng khoán phái sinh; đảm bảo sự cân bằng giữa mở rộng sự gia nhập của chứng khoán phái sinh và sự kiểm soát chống các hành vi trốn thuế, trục lợi và hoàn thiện pháp luật hướng tới cơ chế giải quyết tranh chấp phù hợp với giao dịch chứng khoán phái sinh…
Dự kiến rủi ro, đón đầu xu hướng
GS Lê Hồng Hạnh - Viện trưởng, Viện Pháp luật và kinh tế ASEAN, Tổng Biên tập Tạp chí Pháp luật và Phát triển cho biết: “Những nghiên cứu về thị trường chứng khoán cũng như thực tiễn hoạt động của thị trường chứng khoán ở nhiều nước trên thế giới đều cho thấy có nhiều rủi ro đối với các chủ thể tham gia giao dịch chứng khoán phái sinh.
Các rủi ro rất đa dạng, từ rủi ro thị trường, rủi ro uy tín, rủi ro giá cho đến rủi ro pháp lý. Cần phải nhận thấy rằng trong hầu hết các rủi ro đều có dấu ấn của rủi ro pháp lý.
GS.TS. Lê Hồng Hạnh – Tổng Biên tập Tạp chí Pháp luật và Phát triển.
Một quy trình phá sản được luật định với việc bỏ qua các cam kết trong giao dịch phái sinh khi có chủ thể phá sản, thiếu cơ chế luật định cho việc ủy quyền, đại diện trong giao dịch chứng khoán phái sinh, những yêu cầu sơ sài về hình thức giao dịch và tài liệu cần phải có đều mang lại rủi ro cho các chủ thể giao dịch chứng khoán.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa thương mại và toàn cầu hóa các dịch vụ tài chính, ngân hàng thì xu hướng phát triển của thị trường chứng khoán phái sinh là không thể cưỡng lại.
Đối với Việt Nam, chỉ đánh giá sơ bộ về phạm vi điều chỉnh của pháp luật Việt Nam đối với giao dịch chứng khoán trong sự so sánh với một vài quốc gia đã cho thấy có sự lạc hậu quá nhiều.
Điều này càng đáng ngạc nhiên là trong khi chứng khoán phái sinh đang có xu hướng phát triển nhưng Luật Chứng khoán mới ban hành 2019 lại chưa thể cập nhật được các quy định quốc tế về chứng khoán phái sinh. Vấn đề đặt ra là cần nghiên cứu xây dựng Luật riêng về giao dịch chứng khoán phái sinh để thị trường này hoạt động ổn định trong khuôn khổ các quy định của pháp luật”.
Ông Trần Ngọc Hà - Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam cho biết: Pháp luật về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh là bộ phận pháp luật có vai trò quan trọng trong việc xây dựng thị trường chứng khoán phát triển, tăng cơ hội đầu tư và phòng ngừa rủi ro cho nhà đầu tư.
Pháp luật về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh là bộ phận pháp luật có vai trò quan trọng trong việc xây dựng thị trường chứng khoán phát triển, tăng cơ hội đầu tư và phòng ngừa rủi ro cho nhà đầu tư.
Chính vì vậy, hội thảo đã thu hút được sự quan tâm của nhiều chuyên gia, các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực chính sách và pháp luật đến từ nhiều cơ quan, ban ngành, trường đại học trên khắp cả nước.
Trên cơ sở kết quả của hội thảo, Ban Tổ chức sẽ tổng hợp các quan điểm, ý kiến thành văn bản góp ý chung của các đơn vị đồng tổ chức để gửi đến Quốc hội, Chính phủ cũng như các cơ quan khác có liên quan, từ đó góp thêm những ý kiến có giá trị, thể hiện trách nhiệm của giới luật học và chính sách trước Đảng, trước Nhân dân đối với sự phát triển của đất nước.
Minh Anh