Nhân dân tệ là một trong những đồng tiền lớn mất giá mạnh nhất thế giới trong năm nay, đã giảm khoảng 3,5% so với USD...
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc vượt qua đồng yên Nhật Bản về tỷ trọng trong thanh toán toàn cầu lần đầu tiên trong khoảng 2 năm trở lại đây, trong bối cảnh lãi suất thấp ở Trung Quốc làm gia tăng sức hấp dẫn của việc dùng nhân dân tệ để thanh toán trong giao dịch thương mại với nước này.
Theo tờ Financial Times, số liệu do nền tảng thanh toán quốc tế Swift công bố vào tuần vừa rồi cho thấy tỷ trọng của nhân dân tệ trong thanh toán toàn cầu đã tăng lên mức 4,6% trong tháng 11, từ mức 3,6% trong tháng 10. Đây là lần đầu tiên nhân dân tệ vượt qua yên kể từ tháng 1/2022 để trở thành đồng tiền được dùng để thanh toán nhiều thứ tư thế giới, sau các đồng bảng Anh, euro và USD.
Nhân dân tệ là một trong những đồng tiền lớn mất giá mạnh nhất thế giới trong năm nay, đã giảm khoảng 3,5% so với USD, về mức khoảng 7,2 nhân dân tệ đổi 1 USD, do tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm tốc và cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài ở nước này.
Giới phân tích nói rằng việc nhân dân tệ tăng tỷ trọng trong thanh toán quốc tế có thể là một diễn biến nhận được sự chào đón nồng nhiệt của Trung Quốc, vì nước này muốn gia tăng hình ảnh của đồng nội tệ trên trường quốc tế như một phần trong nỗ lực nhằm bảo bớt rủi ro đối với Trung Quốc từ việc đồng USD duy trì vị thế thống trị trong tài chính toàn cầu.
Tỷ trọng của các đồng tiền trong thanh toán quốc tế qua nền tảng Swift. Đơn vị: % - Nguồn: Swift/FT.
Chiến lược gia Chi Lo của công ty quản lý tài sản BNP Paribas Asset Management nói rằng có nhiều diễn biến thuận lợi ủng hộ việc sử dụng nhân dân tệ trong thanh toán quốc tế trong năm nay, và số liệu của tháng 11 “thậm chí có thể là sự khởi đầu cho xu hướng tăng chậm rãi của nhân dân tệ về tỷ trọng trong thanh toán quốc tế”.
Các nhà kinh tế học nhận định sự gia tăng mới nhất của nhân dân tệ trong thanh toán quốc tế một phần xuất phát từ lãi suất thấp ở Trung Quốc. Việc Trung Quốc hạ lãi suất để kích thích tăng trưởng kinh tế đã khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy khỏi thị trường trái phiếu nước này, nhưng đồng thời cũng cải thiện sức hấp dẫn của nhân dân tệ trong lĩnh vực tài chính thương mại. Lãi suất cơ bản của các khoản vay kỳ hạn 1 năm của Trung Quốc hiện đang ở mức 3,45%, trong khi lãi suất quỹ liên bang của Mỹ là 5,25%.
Sức hút đến từ lãi suất thấp hơn ở Trung Quốc được phản ánh trong số liệu của Swift về tài chính thương mại, cho thấy tỷ trọng của đồng nhân dân tệ trong tài chính thương mại toàn cầu tăng lên mức 5,7% trong tháng 11, từ mức 5,1% trong tháng trước đó. Với tỷ trọng này, nhân dân tệ đứng ở vị trí thứ hai trong tài chính thương mại toàn cầu, chỉ sau đồng USD, và đẩy đồng euro xuống vị trí thứ ba lần đầu tiên kể từ tháng 9.
Tuy nhiên, cả nhân dân tệ và euro đều bị USD dẫn trước một khoảng cách rất lớn, khi bạc xanh chiếm tỷ trọng hơn 80% trên thị trường tài chính thương mại toàn cầu.
“Các động lực nền tảng của tài chính thương mại đã thay đổi trong những tháng gần đây, khi lãi suất đồng nhân dân tệ giảm xuống”, nhà kinh tế cấp cao Kelvin Lau của ngân hàng Standard Chartered nhận định.
Do Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) nghiêng về nới lỏng chính sách tiền tệ còn các ngân hàng trung ương phương Tây giữ lãi suất ở mức cao, ông Lau cho rằng chi phí của việc dùng nhân dân tệ trong giao dịch thương mại đã giảm xuống mức đủ thấp để hấp dẫn một số đối tác thương mại.
“Hiện tượng mới này của đồng nhân dân tệ là do lãi suất thấp mở ra cơ hội để đồng tiền này đóng một vai trò lớn hơn trong tài chính thương mại”, ông Lau nói thêm.
Cơ hội để nhân dân tệ được sử dụng phổ biến hơn trong thanh toán quốc tế, nhất là thông qua các kênh ngoài Swift, còn được củng cố bởi việc phương Tây áp lệnh trừng phạt lên một số quốc gia gồm Nga. Sự trừng phạt đó khiến không ít quốc gia cảm thấy lo ngại về khả năng đồng USD có thể được “vũ khí hoá” một cách rộng rãi hơn.
Nhân dân tệ vượt qua đồng euro về tỷ trọng trong tài chính thương mại quốc tế. Đơn vị: % - Nguồn: Swift/FT.
“Sự gia tăng của nhân dân tệ trong thanh toán phần nào phản ánh tình hình địa chính trị của thế giới hiện nay. Điều đó cùng với các xu hướng dài hạn trong dòng chảy thương mại có thể sẽ thúc đẩy sự gia tăng vị thế đồng tiền của Trung Quốc”, nhà kinh tế trưởng Mansoor Mohi-uddin của Bank of Singapore nhận xét với Financial Times.
Nhà kinh tế cấp cao Carlos Casanova của UBP nhận định: “Nga không phải là 100% của câu chuyện này. Chúng tôi cũng nhận thấy sự gia tăng của nhân dân tệ trong thanh toán thương mại ở châu Á, giữa Trung Quốc với các nền kinh tế trong khu vực có sự phụ thuộc lớn vào nhu cầu của Trung Quốc”.
Theo Vneconomy