Thị trường bất động sản đã ghi nhận sự quay trở lại của hàng loạt dự án được tái khởi động, dự án mới mở bán, chủ đầu tư tung chính sách có lợi cho người mua nhà trong quý I/2024.
Ảnh minh họa
Thị trường bất động sản được xem là một trong những trụ cột của nền kinh tế, giúp tập trung các nguồn lực, tạo ra tài sản cố định cho quốc gia. Sự phát triển của thị trường bất động sản tạo ra động lực tăng trưởng cho các ngành nghề liên quan (thị trường tài chính, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, nội thất, lao động...), đáp ứng nhu cầu về chỗ ở và phát triển đô thị, du lịch. Tuy nhiên, đây lại là một ngành luôn tạo ra khủng hoảng kinh tế.
Theo thông tin, năm 2023, thị trường bất động sản (BĐS) chìm sâu trong khủng hoảng, khó khăn chồng chất khó khăn. Cơn khủng hoảng đã khiến 1.286 DN BĐS giải thể, tăng 7,7% so với năm 2022; 3.705 DN ngừng hoạt động có thời hạn, tăng 47,4%. Trong khi đó, số DN thành lập mới đạt 4.725, giảm 45% và chỉ còn khoảng 20% môi giới BĐS đang hoạt động. Tổng nguồn cung sản phẩm tăng nhẹ 32% so với năm 2019 nhưng tỷ lệ hấp thụ vẫn giữ nguyên tương đương với 17%.
Cuộc khủng hoảng trên thị trường BĐS bắt đầu từ đầu quý IV/2022 và đến đầu năm 2023, Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ngành, các địa phương đã ban hành gần 20 nghị quyết, nghị định, chỉ thị để tháo gỡ khó khăn cho thị trường, cho doanh nghiệp và cho các nhà đầu tư. Nhiều hội nghị, hội thảo đã được tổ chức với sự tham dự trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ để lắng nghe các ý kiến, kiến nghị, từ đó đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn.
Rất nhiều kỳ vọng về sự phục hồi của ngành bất động sản trong năm 2024, nhằm đưa ra các phương án kịp thời, "giải cứu" thị trường (BĐS), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trực tiếp chỉ đạo, triệu tập, chủ trì nhiều cuộc làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, ra hàng loạt văn bản tháo gỡ khó khăn, nhằm phục hồi thị trường BĐS phát triển ổn định.
Lãi suất ngân hàng giảm gia tăng niềm tin khách hàng, thanh khoản trên thị trường ghi nhận sức hút đến từ phân khúc chung cư và đất nền đô thị lớn, đô thị công nghiệp đặc biệt tháng 3/2024 lên đến hàng nghìn tỷ đồng/tuần.
Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm Tổ trưởng, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho thị trường. Ở các địa phương, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố cũng đứng đầu Tổ công tác với mục tiêu tương tự. Từng nhóm, thậm chí từng dự án, từng chủ đầu tư được điểm danh cụ thể để tháo gỡ... Một cuộc giải cứu quyết liệt nhất, đặc biệt nhất trong lịch sử ngành BĐS Việt Nam đã và đang khẩn trương diễn ra.
Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ ban hành liên tiếp 12 văn bản, tổ chức nhiều cuộc làm việc, nhiều cuộc họp. Gần đây nhất là ngày 17/02/2023, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hạ lãi suất gói tín dụng 120.000 tỷ đồng chiều 16/3/2024. Trước đó là Hội nghị Thủ tướng Chính phủ triệu tập 18 doanh nghiệp họp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh ngày 14/3/2024.
Bên cạnh đó, là sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ, ban, ngành trong việc tập trung giải quyết các vấn đề khó khăn. Bộ Xây dựng đã ban hành 37 văn bản hướng dẫn, giải đáp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về các nội dung: Quy hoạch, nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ, cấp phép xây dựng, chuyển nhượng dự án... cho các địa phương. Các Bộ liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ra văn bản tháo gỡ khó khăn vướng mắc số lượng lên đến gần 30 văn bản.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh tổng hợp kết quả tháo gỡ về mặt thể chế cho thấy, Chính phủ đã trình Quốc hội khóa XV xem xét thông qua: Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 ngày 23/6/2023 tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 ngày 27/11/2023 tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV; Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15 ngày 28/11/2023 tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV; Luật Đất đai số 31/2024/QH15 ngày 18/01/2024 tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV; Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 ngày 18/01/2024 tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, với sự chỉ đạo quyết liệt, vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 2 đã được các Bộ, ngành và địa phương tập trung triển khai công việc ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công ngay từ các tháng đầu năm, đặc biệt là các dự án chuyển tiếp. Đây là những tín hiệu tích cực về số doanh nghiệp Bất động sản quay trở lại thị trường.
Đến thời điểm hiện nay, Tổ công tác đã ban hành các Thông báo kết luận của Tổ công tác đối với từng địa phương và các đơn vị, doanh nghiệp trên đại bàn các tỉnh, thành làm căn cứ thực hiện.