Nhiều năm qua, Hà Nội luôn là một trong hai địa phương dẫn đầu cả nước về Chỉ số thương mại điện tử. Hiện, thành phố đang triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ lĩnh vực này phát triển, đóng góp cho tăng trưởng chung.
Hà Nội dẫn đầu về chỉ số thương mại điện tử. (Ảnh minh họa)
Hiệp hội Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam vừa công bố Báo cáo chỉ số EBI 2024, theo đó TP Hồ Chí Minh tiếp tục dẫn đầu xếp hạng Chỉ số TMĐT Việt Nam 2024 với 87 điểm. Đứng thứ hai là Hà Nội với 84,3 điểm, tỉnh Bình Dương đứng thứ 3 trong bảng xệp hạng nhưng chỉ số kém Hà Nội 33 điểm khi chỉ đạt 51,3 điểm.
Như vậy, nhiều năm liền, Hà Nội là một trong hai địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển TMĐT.
Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam được Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tổng hợp từ ba chỉ số thành phần, bao gồm: Nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin; giao dịch thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C) và giao dịch thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B).
Theo Kế hoạch về phát triển thương mại điện tử trên địa bàn TP Hà Nội năm 2024, Hà Nội đặt mục tiêu tiếp tục giữ vững xếp hạng từ thứ hai trở lên so với cả nước về Chỉ số thương mại điện tử (EBI) hàng năm.
Doanh số thương mại điện tử B2C (giao dịch giữa các doanh nghiệp với người tiêu dùng và tính cho cả hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng trực tuyến) chiếm 13% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn thành phố.
Hiện có 53% người dân Hà Nội tham gia mua sắm trực tuyến. Bên cạnh đó, 49% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, bao gồm mạng xã hội có chức năng sàn giao dịch thương mại điện tử.
Để tiếp tục hỗ trợ, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử trên địa bàn Hà Nội, Sở Công Thương đã tăng cường công tác phối hợp, triển khai có hiệu quả “Quy chế phối hợp quản lý và phát triển thương mại điện tử trên địa bàn TP Hà Nội”. Nâng cao năng lực quản lý cho đối tượng cán bộ quản lý, doanh nghiệp trên địa bàn thông qua các lớp tập huấn chuyên sâu, phù hợp với đặc thù riêng của từng đối tượng. Đồng thời, triển khai các sự kiện thường niên nhằm tuyên truyền, quảng bá, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử.
Đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới giúp các doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa thông qua các hội nghị, hội thảo, tập huấn, phát triển các hạ tầng, giải pháp hỗ trợ giao dịch điện tử tích hợp thanh toán trong thương mại và dịch vụ công, bảo đảm an ninh, an toàn thanh toán để góp phần thúc đẩy thanh toán điện tử trong giao dịch thương mại điện tử.
Ngoài ra, thành phố còn phát triển hạ tầng dịch vụ chuyển phát và logistics cho thương mại điện tử, ứng dụng các công nghệ mới trong hoạt động logistics tại thành phố và mở rộng ở các tỉnh, thành phố trên cả nước.