Xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước tính tăng 13,8%

Thu Hoài - Hương Lan 24/06/2024 11:17

Tình hình xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2024 tiếp tục đà tăng trưởng tích cực, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Nhóm xuất khẩu chủ lực trong 6 tháng đầu năm 2024 là công nghiệp chế biến, chế tạo ước đạt 159,92 tỷ USD. (Ảnh minh hoạ)

Theo số liệu của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm ước đạt 188,97 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 11,3%). Trong đó nhóm xuất khẩu chủ lực là công nghiệp chế biến, chế tạo ước đạt 159,92 tỷ USD, chiếm 84,63% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ giảm 12,6%).

Bên cạnh đó, nông sản tiếp tục là điểm sáng về tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ giảm 2,3%), tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 18,21 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2024.

Riêng đối với mặt hàng rau quả, theo số liệu ước tính của Tổng cục Hải quan, nửa đầu năm 2024, xuất khẩu rau quả đạt 3,4 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sầu riêng, thanh long, chuối và nhãn là những loại trái cây đóng góp lớn cho tăng trưởng xuất khẩu rau quả.

Theo ông Bùi Huy Sơn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Công Thương), nhận định, thị trường thế giới phục hồi và dần chuyển sang trạng thái mới, thích ứng với những biến động lớn đã giúp số lượng các đơn đặt hàng xuất khẩu mới gia tăng. Ngoài ra, Việt Nam đã đạt nhiều kết quả nổi bật trong công tác đối ngoại về kinh tế, đặc biệt với các đối tác thương mại lớn như Mỹ, Trung Quốc... trong thời gian qua, giúp củng cố niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Dự báo xuất khẩu rau quả năm 2024 tiếp tục tăng trưởng 15 - 20%. (Ảnh minh hoạ)

Dù đã đạt được kết quả tích cực trong nửa đầu năm, tuy nhiên, theo ông Sơn, hoạt động xuất khẩu vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Đó là giá trị xuất khẩu tăng nhưng một phần là do nhiều mặt hàng tăng giá thành (nông sản, năng lượng), tăng giá cước vận tải (do tác động của các xung đột chính trị) và sự lên giá của đồng USD.

Cùng với đó, giá xuất khẩu một số nhóm hàng nông sản như gạo, hạt tiêu, cà phê… tăng mạnh tuy giúp tăng giá trị xuất khẩu nhưng tiềm ẩn nguy cơ xáo trộn nguồn cung vì tính chuyên nghiệp của doanh nghiệp, nhà cung cấp chưa cao. 

Mặc dù các ngành hàng đã nỗ lực mở rộng thị trường nhưng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường mới chưa cao, chủ yếu vẫn phụ thuộc vào một số thị trường, mặt hàng và khu vực FDI. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang các thị trường lớn như EU, Mỹ… tiếp tục phải đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, các rào cản kỹ thuật mới liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh, đại diện Bộ Công Thương cho biết thêm.

Do đó, để tạo thuận lợi cho xuất khẩu 6 tháng cuối năm, Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng cho biết Bộ luôn duy trì đều đặn các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài và chỉ đạo hệ thống Thương vụ thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài; các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Từ đó Bộ và các cơ quan liên quan sẽ đưa ra khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu, để doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường. 

Ngoài ra, Bộ sẽ tiếp tục khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đẩy nhanh đàm phán, ký kết các FTA, liên kết kinh tế mới để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu. Đồng thời, chủ động theo dõi để bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất trong nước trước vụ kiện phòng vệ thương mại, đẩy mạnh công tác chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ; đồng thời hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế, cơ chế phối hợp liên ngành, địa phương, tăng cường công tác thông tin, phổ biến kiến thức về phòng vệ thương mại cho các ngành sản xuất, doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước tính tăng 13,8%
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO