Trên cơ sở thế mạnh của từng hiệp hội đã đưa ra những định hướng và thống nhất hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong việc phối hợp thúc đẩy sự phát triển của ngành bất động sản nói chung và lĩnh vực bất động sản du lịch nói riêng tại thị trường Việt Nam và Quốc tế.
Mới đây, tại Hà Nội đã diễn ra chương trình “Gặp mặt tân xuân 2024” giữa Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), Hiệp hội Du Lịch Việt Nam (VITA) và Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam tại nước ngoài (BAOOV). Với chủ đề “ Hợp tác - Kết nối cùng Phát triển”, cả ba Hiệp hội thống nhất cùng nhau phối hợp thường xuyên, lâu dài và bền vững trên cơ sở phát huy chức năng, nhiệm vụ của mỗi Bên theo điều lệ hoạt động, quy định pháp luật để thực hiện có hiệu quả các hoạt động của liên quan đến Bất động sản, Du lịch và Đầu tư.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, TS. Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch VNREA, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh: “Theo chương trình phát triển kinh tế xã hội của Đảng và Nhà nước tại Đại hội XIII đã đã nêu rõ việc phát triển du lịch sẽ là trọng tâm hàng đầu. Tuy nhiên, để phát triển được ngành du lịch thì việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng là vô cùng cần thiết và nó liên quan mật thiết đến bất động sản. Bên cạnh đó, sự tiếp thu và tiến độ triển khai từ các bộ ngành liên quan cũng chưa được quan tâm sâu sát nên các cơ chế, chính sách để phát triển còn hạn chế.
Do đó, việc hợp tác giữa VNREA - VITA - BAOOV không chỉ là cơ hội để hai bên có thể giao lưu, hiểu biết lẫn nhau mà còn là cơ sở cho việc hỗ trợ, phối hợp và phát huy thế mạnh của từng đơn vị trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế, các hoạt động đầu tư trong và ngoài nước liên quan đến ngành Du lịch và Bất động sản.”
Ông Nguyễn Hồng Huệ - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài: Đây là cơ hội rất lớn để cả 3 Hiệp hội có thể đồng hành cùng nhau, góp sức để giúp kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn”. Ông cũng bày tỏ những khó khăn về việc người Việt Nam định cư ở nước muốn sở hữu bất động sản tại Việt Nam sẽ tốn rất nhiều thời gian và công sức. Và qua đó, ông mong muốn rằng “ Làm thế nào để các Hiệp hội tại Việt Nam có thể cùng nhau, hợp tác, trao đổi tìm ra những giải pháp để giải quyết những khó khăn vướng mắc liên quan đến lĩnh vực Bất động sản và Du lịch tại Việt Nam rồi từ đó sẽ đề xuất và trình Chính phủ để được giải quyết và hỗ trợ. Đó sẽ là cách để chúng ta đưa đất nước Việt Nam phát triển hơn ở nhiệm vụ mới - tầm cao mới.
Về phía Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam cũng cho biết thêm: “Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có tác động trực tiếp đến nhiều ngành kinh tế khác và bất động sản là một điển hình. Do đó, việc hợp tác giữa các Hiệp hội liên quan sẽ giúp cho việc vận hành của các ngành liên quan được giảm nhẹ.”
Ông cũng đã nhấn mạnh được vai trò của Hiệp hội trong việc đóng góp ý kiến về các dự thảo sửa đổi các bộ luật của Nhà nước: “Ví dụ trong việc sửa đổi các Bộ luật thì Luật Du lịch được sửa đổi năm 2017, Hiệp hội Du lịch đóng vai trò rất quan trọng trong việc tập trung nghiên cứu và đưa ra những kiến nghị để hoàn thiện bộ Luật phù hợp nhất với nền kinh tế Việt Nam.
Chúng ta cũng thấy được rõ sự chuyển hóa vai trò của nhà nước sang các tổ chức kinh tế xã hội và trách nhiệm của các Hiệp hội về quản trị và tư duy phải được chú trọng đến. Và đây cũng là dịp để cả 3 Hiệp hội có thể cùng nêu lên những khó khăn, vướng mắc để cùng giải quyết và hỗ trợ lẫn nhau”.
Trong khuôn khổ hội nghị, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và thế mạnh của từng đơn vị, đại diện lãnh đạo 3 bên đã đưa ra những định hướng và thống nhất hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong việc phối hợp tổ chức các sự kiện, hội thảo, hội nghị, các chương trình hợp tác nhằm xúc tiến quảng bá du lịch, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của ngành bất động sản nói chung và lĩnh vực bất động sản du lịch nói riêng tại thị trường Việt Nam và Quốc tế.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2023, nước ta đón 12,6 triệu lượt du khách quốc tế - gấp 3,4 lần năm 2022, vượt xa mục tiêu 8 triệu khách. Có thể nói, những chính sách thông thoáng với ngành du lịch thời gian qua đã tạo điều kiện cho ngành phát triển, hướng tới phục hồi hoàn toàn như trước thời điểm Covid-19.
Bên cạnh đó, theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), trong năm qua, cả nước đón nhận khoảng 3.165 sản phẩm bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng mới; giảm hơn 80% so với năm 2022. Nguồn cung chủ yếu từ khu vực miền Trung với hơn 1.200 sản phẩm, tương đương 38% lượng cung toàn thị trường. Toàn thị trường ghi nhận 726 sản phẩm bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng được giao dịch thành công trong năm 2023.
Bước sang năm 2024, VARS dự báo thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng có cơ hội được cải thiện nhờ tiến trình phục hồi chung của thị trường bất động sản cũng như các tín hiệu tích cực từ các yếu tố vĩ mô.